Khuyết tật là một khái niệm phức tạp, và từ “khuyết tật” thường được sử dụng mang nhiều nghĩa khác nhau trong ngữ cảnh khác nhau, thông thường người ta sử dụng từ “khuyết tật” để nói đến những người có những hạn chế về chức năng hoạt động nhất định (Tổng cục Thống kê, 2018). Người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (Quốc hội, 2010). Theo Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2018), ước tính có khoảng 15% dân số thế giới, tương đương với hơn 1 tỷ người đang sống với ít nhất một dạng khuyết tật nhất định. Ở Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật cuối năm 2016 và đầu năm 2017 của Tổng cục thống kê cho thấy có 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên là NKT và khoảng 5 triệu hộ có NKT, trong đó tỷ lệ NKT ở khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần ở khu vực thành thị (Tổng cục Thống kê, 2018). Năm 2006, Liên hợp quốc đã chính thức thông qua công ước về quyền của NKT nhằm bảo vệ và nâng cao quyền cũng như cơ hội của NKT trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 đã được Quốc hội ban hành năm 2010, bên cạnh đó Ủy ban quốc gia về NKT được thành lập nhằm tạo cơ chế đa ngành thúc đẩy hòa nhập NKT. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/2012/QĐ-TTg phê duyệt các chương trình, đề án trợ giúp NKT. Từ ngày 01/7/2021, khi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội chính thức có hiệu lực, mức hỗ trợ hàng tháng đối với người khuyết tật sẽ tăng.Theo đó, hàng loạt các chính sách hỗ trợ NKT được ban hành và đưa vào thực hiện, điều đó đã đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với đời sống NKT, giúp họ tự tin hơn, tạo động lực để họ phát huy năng lực, hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ NKT vẫn còn những hạn chế, nhiều chính sách dành cho NKT vẫn còn thiếu tính khả thi, đòi hỏi cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ như: Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm, công trình công cộng; một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề NKT, xem công tác NKT thuộc trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trợ giúp NKT là hoạt động từ thiện. Thêm vào đó, ở một số nơi, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật còn chậm, thiếu sâu sát, còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT.
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện từ phát triển hạ tầng cơ sở cho đến chính sách trợ giúp đối tượng tham gia học nghề cũng như giáo viên dạy nghề.
Trên thực tế, mong muốn tìm việc làm của đối tượng này là rất lớn tuy nhiên hiện tại chưa giải quyết được phần lớn các nhu cầu. Mặt khác, đa phần những người khuyết tật có việc làm không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện. Rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, thu nhập của NKT cũng tương đối thấp, không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp chính quyền về dạy nghề và tạo việc cho người khuyết tật còn chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề vừa yếu, vừa thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng công tác dạy nghề cho đối tượng. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho NKT còn yếu cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức về các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm. Dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT tập trung chủ yếu ở khâu dạy nghề và giới thiệu việc làm, trong khi khâu tư vấn nghề, hỗ trợ tại nơi làm việc, tạo ra các điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc còn hạn chế. Các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho NKT như các cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, đơn vị phục hồi chức năng, doanh nghiệp… chưa tạo được sự kết nối, hợp tác chặt chẽ do hiện nay nước ta vẫn chưa chính thức có chương trình phục hồi chức năng lao động cho NKT. Ví dụ như, các công nhân bị tai nạn lao động cần sự hỗ trợ phối hợp của bệnh viện, đơn vị giới thiệu việc làm, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề… để giúp NKT phục hồi khả năng lao động, quay trở lại công việc cũ hoặc chuyển đổi sang công việc mới phù hợp.
- Các công việc mà người khuyết tật có thể làm:
Nhân viên nhập liệu: Nhập liệu là một trong những công việc phù hợp với người khuyết tật nhất. Những ai gặp phải khó khăn đi lại có thể chọn việc này. Thông thường, nhân viên nhập liệu cần đạt một số yêu cầu: có kỹ năng đánh máy tốt, biết cách sử dụng các phần mềm chuyên ngành để nhận dạng và nhập thông tin, nhập dữ liệu chính xác, có tính kiên nhẫn vì các bước làm việc được lặp đi lặp lại.
Lập trình viên: Với tỉ lệ tăng trưởng công việc lên đến 47%, ngành công nghệ thông tin có rất nhiều cơ hội làm việc dành cho người khuyết tật. Có thể hiểu lập trình viên là người thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa lỗi và nâng cấp các phần mềm máy tính bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau. Các trường đại học như Duy Tân, Bách Khoa... trên cả nước cũng ưu tiên hỗ trợ học phí đối với sinh viên khuyết tật khi theo học Công nghệ Thông tin tại đây.
Nhân viên thiết kế đồ họa: Đa phần khả năng giao tiếp của người khuyết tật thường không tốt lắm, vì vậy đồ họa là một gợi ý đáng quan tâm.
Công nhân may: Nghề may không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như lập trình viên hay nhân viên thiết kế đồ họa, nhưng lại cần có sự tỉ mỉ, khéo léo. Nếu là thợ chính thì bắt buộc người khuyết tật phải sử dụng cả tay và chân để kết hợp với máy móc cho ra sản phẩm hoàn thiện. Hoặc những ai kém may mắn hơn một chút có thể xin vào làm ở các công đoạn cắt vải, khuy nút, phân loại sản phẩm… Có rất nhiều trung tâm nhận dạy nghề may cho người khuyết tật, quá trình đào tạo đơn giản, không mất nhiều thời gian.
Làm đồ thủ công: Khi nhắc đến đồ thủ công thì chắc chắn ai cũng nghĩ đến sự sáng tạo, chỉnh chu trong từng đường nét. Những người có đôi tay lành lặn và thích sáng tạo thường tìm đến công việc này. Tương tự như nghề may, nếu khéo léo, tỉ mỉ một chút, người khuyết tật cũng làm được những món đồ handmade đẹp mắt để bán ra thị trường.
Nghề làm tăm: Người khuyết tật còn có thể mang chính sản phẩm của mình làm ra để bán dạo vào những lúc rảnh rỗi. Trên thực tế có nhiều người đã sống chủ yếu bằng nghề này và thu nhập của họ cũng rất ổn.
Nghề làm hương (nhang): Tại các trung tâm dạy nghề, bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam thường bố trí máy móc hỗ trợ người khuyết tật làm hương. Cũng như làm tăm, người lao động khuyết tật không bỏ ra quá nhiều sức lực vào việc này. Nhu cầu sử dụng hương trên thị trường hiện nay khá cao, người khuyết tật không cần phải lo lắng quá về giá cả sản phẩm, đầu ra.
Việc làm Kinh doanh - bán hàng online: Nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên tư vấn bán hàng, nhân viên bán hàng qua điện thoại, nhân viên tổng đài, nhân viên kinh doanh trực tuyến...
- Để người khuyết tật có thể lựa chọn được một công việc phù hợp, cần phải dựa trên những yếu tố như sau:
Mức độ khuyết tật và điều kiện sức khỏe: Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Họ khuyết tật vận động hay trí tuệ? Có thể di chuyển được hay không? Có thể theo học các khóa đào tạo chuyên môn hay học nghề được hay không?
Sở thích cá nhân: Người khuyết tật cũng nên chọn một công việc mà họ yêu thích trên cơ sở điều kiện sức khỏe của bản thân.
Năng khiếu của bản thân: Ví dụ những người bị khiếm thính thường có đôi mắt quan sát và trí tưởng tượng rất tốt; có người bị khuyết tật vận động nhưng lại cực kì thông minh, tư duy logic, ....
Điều kiện của gia đình: Gia đình có đủ điều kiện để theo học các khóa học nghề hoặc đào tạo bài bản hay không?
Một yếu tố khác cũng cực kì quan trọng đó là tâm lý, sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của chính bản thân những người khuyết tật. Có những người tự ti, thường hay mặc cảm về bản thân nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Trong khi đó, những người khác lại quyết tâm vươn lên, không chỉ có thể tự nuôi bản thân mà còn trở thành những người chủ doanh nghiệp, đem đến nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng.
M.Trị (Tổng hợp)
Các tin cùng chuyên mục:
-
Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030 (20/12/2023)
-
Hãy xem người khuyết tật là người bình thường được ưu tiên (20/12/2023)
-
Phú Yên: Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12/2023 (19/12/2023)
-
Phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (19/12/2023)
-
Hỗ trợ thiết thực nhất, hiệu quả nhất, giúp người mù hòa nhập cộng đồng (19/12/2023)
-
Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp K27 -
Quyết định phê duyệt dự toán mua sắm trang thiết bị văn phòng Phòng Lưu trữ hồ sơ Người có công -
Quyết định phê duyệt dự toán mua sắm trang thiết bị văn phòng -
Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 31 về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp -
76/KH-SLĐTBXH
Kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ là đảng viên trong độ tuổi thanh niên trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2025
Liên kết website