Phú Yên 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 20/01/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam

Chuyên mục: Chính sách lao động | Đăng ngày: 13/05/2021

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, cấp phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:

Tình hình quản lý lao động là người nước ngoài làm việc tại địa phương

Từ năm 2010 đến nay (tháng 12/2020), tỉnh Phú Yên có 1.712 lượt người nước ngoài đến làm việc, học tập tại các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở đào tạo, trong đó thuộc diện cấp giấy lao động 1.672 lượt người, chiếm 97,70 %; không thuộc diện cấp giấy phép 40 lượt người, chiếm 2,30 %.

Đến tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh có 61 doanh nghiệp, cơ sở sử dụng 3.712  lao động. Trong số các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động nước ngoài, có 02 nhà thầu, sử dụng 948 lượt lao động; 27 doanh nghiệp (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân), sử dụng 1.631 lao động vào các vị trí công việc chuyên môn kỹ thuật; 34 cơ sở đào tạo sử dụng 1.133 lao động vào làm giáo viên giảng dạy ngoại ngữ. Nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở này đã thực hiện cơ bản các quy định về quản lý, sử dụng lao động nước ngoài trong các bước quy trình. Số lượng lao động nước ngoài đến làm việc tại tỉnh nhìn chung ổn định, không biến động nhiều.

Tình chấp hành pháp luật của lao động nước ngoài đang làm việc tại địa phương

Lao động nước ngoài đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt quy định của pháp luật. Trước khi vào làm việc tại Việt Nam, lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp tư vấn, phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam, bản thân người lao động đã tìm hiểu về pháp luật, vị trí việc làm và phong tục tập quán nơi làm việc, tích cực phối hợp cùng chủ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp thị thực, thẻ tạm trú, ký hợp đồng lao động và cung cấp các giấy tờ, bằng cấp liên quan để thực hiện cấp giấy phép lao động. Ý thức kỷ luật lao động của lao động nước ngoài có mặt tích cực nên trong thời gian lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng làm mất an ninh trật tự liên quan đến lao động nước ngoài. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp sử dụng lao động quốc tịch Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ pháp luật lao động quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiếp nhận, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại địa phương

Tổ chức, doanh nghiệp và nhà thầu có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài vào làm việc, khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, được hỗ trợ cắt giảm 50% thời gian so với quy định. Nếu thực hiện đề nghị cấp giấy phép lao động qua mạng thì được thực hiện theo mức độ 4 đối với dịch vụ công trực tuyến. Nếu hồ sơ, giấy tờ liên quan đến người lao động chưa có sự thống nhất, được hỗ trợ tư vấn để doanh nghiệp, người lao động liên hệ với Cục lãnh sự quán tại Việt Nam để được hợp pháp hóa thủ tục lãnh sự, đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định.

Như vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin quản lý được thực hiện thường xuyên hơn. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải cách thủ thục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập quốc tế, qua đó đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Hầu hết lao động nước ngoài đều phát huy khả năng làm việc hiệu quả, làm tăng giá trị sản phẩm, chất lượng hàng hóa và năng suất lao động của doanh nghiệp; đồng thời là cơ hội để lao động địa phương tiếp cận, học tập phương pháp kỹ năng của lao động nước ngoài, có khả năng thay thế vị trí công việc sau này./.

 

                                                                                 Nguyễn Tài Soa

                                                                  Trưởng phòng Lao động Việc làm


Các tin cùng chuyên mục:
(13/05/2021)