Trợ giúp kịp thời cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Chuyên mục: Chuyên trang | Đăng ngày: 20/11/2023

 

Trợ giúp về y tế, giáo dục, pháp lý, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế… là những hoạt động trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã và đang được triển khai đồng bộ, sâu rộng trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội.

Hình minh họa: Chương trình điều ước cho em năm 2023 chủ đề "chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em"

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đến tháng 12/2022, toàn tỉnh Phú Yên có 28.479 người khuyết tật. Trong đó, 2.284 người khuyết tật đặc biệt nặng, 21.535 người khuyết tật nặng, 1.660 người ngời khuyết tật nhẹ. Người khuyết tật có xu hướng tăng dần qua các năm, do quá trình già hóa dân số, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn...

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật. Các ngành, cơ quan Nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật; tạo thêm động lực, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Tập huấn vay vốn đối với người khuyết tật và cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho những đối tượng đủ điều kiện. Đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 2.254 người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; 2 người hưởng chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội; 26.744 người khuyết tật có thẻ BHYT; 45 người được hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng; 56 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 1.713 người hưởng trợ cấp người có công; 26.744 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Thông qua các hình thức vận động, quyên góp, tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều chương trình trao tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật. Từ đầu năm đến nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động được 1,16 tỉ đồng trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệm, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện đời sống tinh thần cho người khuyết tật bằng việc tuyên truyền vận động người thân và cộng đồng chăm sóc người khuyết tật; nêu gương người tốt việc tốt, những điển hình vượt khó vươn lên của người khuyết tật; phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ người khuyết tật và trẻ mồ côi bằng băng rôn, hình ảnh; tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi nói chuyện cho người khuyết tật, nhóm người không phải là người khuyết tật và người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Để hỗ trợ người khuyết tật, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 200 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; trên 50% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; trên 600 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật; 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

NC


Các tin cùng chuyên mục:
(20/11/2023)