Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chuyên mục: Tin tổng hợp | Đăng ngày: 03/04/2017

 Trong giai đoạn từ 2011 – 2015, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.974 lao động nông thôn, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó đào tạo nghề đạt 41%, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2-2,5%/năm. Tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1542/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề chiếm 51%; tổ chức dạy nghề cho 12.500 lao động nông thôn; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc cho khoảng 2.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

 

     Đề án thực hiện chính sách đối với người học nghề như sau: mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Lao động là người khuyết tật: mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo qui định của Thủ tướng Chính phủ: mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người thuộc hộ cận nghèo: mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học nghề là phụ nữ, lao động nông thôn khác: mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học. Riêng ngư dân học các nghề vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và thực hiện theo qui định của Chính phủ.

     Về chính sách tín dụng, lao động nông thôn học nghề được vay vốn để học, ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề, sau khi hoàn thành khóa học được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

Ngoài ra, người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, buôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo qui định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.

     Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giai đoạn 2016 -2020, Phú Yên tiếp tục tập trung chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, hội đoàn thể, các doanh nghiệp và người lao động về công tác đào tạo nghề; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của đề án đào tạo nghề. Chủ động lồng ghép và huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình, giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; quan tâm đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, giáo viên trong các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, dự án phát triển sản xuất để thu hút nhiều lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

     Phú Yên xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 là một bộ phận, nội dung gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy, để triển khai và tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp với các hội, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; đi đôi với công tác vận động, giáo dục định hướng, tuyên truyền, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Phú Yên lần thứ XVI đã đề ra./.

Phòng Dạy nghề 


Các tin cùng chuyên mục:
(03/04/2017)