Công tác xã hội với học viên cai nghiện ma túy

Chuyên mục: Chính sách xã hội | Đăng ngày: 25/03/2020

Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên có quy mô công suất cai nghiện phục hồi cho khoảng gần 100 người. Hiện nay, Cơ sở đang quản lý 40 học viên cai nghiện ma tuý và 01 người có HIV/AIDS. Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người cai nghiện, Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội đặc biệt chú trọng công tác xã hội tại Cơ sở.

Với chức năng chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện; quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe; phòng, chống tái nghiện, cán bộ Cơ sở luôn xác định, công tác xã hội đối với người cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng nhằm trợ giúp người cai nghiện thông qua các mô hình can thiệp từ cá nhân đến nhóm để họ nâng cao nghị lực, quyết tâm, tự tin quyết định các vấn đề của bản thân trong các giai đoạn của quy trình phục hồi và là tiền đề tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Triển khai hoạt động công tác xã hội tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội được đánh giá là hoạt động trị liệu hiệu quả, thiết thực. Công tác xã hội giúp học viên học cách chia sẻ, sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề của cá nhân hay tập thể, là điều kiện cho học viên phát huy những điểm mạnh của bản thân đồng thời biết nhận ra những hạn chế của mình và học cách khắc phục, giúp học viên nhanh chóng vượt qua sự thèm nhớ chất gây nghiện và tham gia vào quá trình phục hồi. Cơ sở thường xuyên đổi mới các mô hình, các hình thức sinh hoạt như trong nhà, ngoài trời, giao lưu, thi đấu thể thao... làm cho các hoạt động sôi nổi, vui tươi tạo hiệu ứng tích cực, để họ hứng thú và nhiệt tình tham gia sinh hoạt.

Tại Cơ sở, các hoạt động giáo dục hành vi thông qua các buổi sinh hoạt đội, tư vấn cá nhân, nhóm và hoạt động lao động trị liệu nhẹ nhàng 4 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ tết được tham gia luyện tập thể chất và thi đấu thể thao nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, vào thứ 6 hàng tuần học viên được tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ với nhiều hình thức phong phú. Đồng thời Cơ sở cũng tạo điều kiện thăm gặp người thân, gia đình nhằm ổn định tâm lý cho học viên.

 

Ảnh: Học viên được Cơ sở tổ chức thăm gặp người thân, gia đình

 

 

 

Ảnh: Sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại Cơ sở

 

Công tác tổ chức giáo dục pháp luật, đạo đức, phục hồi nhân cách nâng cao trình độ học vấn cũng được Cơ sở chú trọng gắn với việc tổ chức các lớp tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn pháp luật cho học viên. Từ đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, học viên được trực tiếp tham gia các buổi truyền thông, phổ biến kiến thức, cung cấp trau dồi, củng cố kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, giá trị sống, hòa nhập cộng đồng phòng, chống tái nghiện. 

Học viên H.P.N, 30 tuổi, cho biết, anh thuộc diện cai nghiện bắt buộc, vào Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội được gần 1 năm. Những ngày đầu, anh được các cán bộ, y, bác sĩ chăm sóc sức khỏe ân cần, hỗ trợ anh vượt qua những lúc vật vã, cắt cơn. Qua được giai đoạn thử thách ấy, anh bắt đầu thấy tinh thần, thể chất khá hơn. Anh muốn lao động, bắt đầu nuôi mầm ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi phía trước.

Học viên tại Cơ sở thường xuyên tham gia hoạt động lao động trị liệu, tổ chức và phân công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, giới tính. Lao động trong Cơ sở nhằm mục đích giúp cho học viên nhận thức được giá trị của lao động và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy với các công việc phù hợp như: trồng rau xanh, chăn nuôi, chăm sóc cây cảnh…

 

Ảnh: Lao động trị liệu tại Cơ sở

 

 

Ảnh: Lao động trị liệu tại Cơ sở

 

Điều trị nghiện chất ma tuý kết hợp thuốc với công tác tư vấn, tham vấn và các liệu pháp hành vi khác là thành phần quan trọng của một chương trình điều trị nghiện hiệu quả. Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình điều trị cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội, cán bộ Cơ sở luôn nhận thức rõ về vai trò quan trọng của mình trong việc trực tiếp hỗ trợ, chủ động giúp đỡ học viên kịp thời, tạo động lực để học viên đi đúng hướng và có thêm nghị lực, lòng quyết tâm thực hiện đầy đủ các hoạt động điều trị phục hồi, vươn lên tự từ bỏ ma túy, hòa nhập cộng đồng bền vững./.

 

Nguyễn Sơn Ca

                                                 Cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội


Các tin cùng chuyên mục:
(25/03/2020)